Những ngày vừa qua, số tiền ủng hộ từ thiện chuyển đến tài khoản ngân hàng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang được cộng đồng mạng quan tâm hơn bao giờ hết khi hơn 12 nghìn trang sao kê tiền từ thiện đã được công bố công khai.
Chỉ trong chưa đầy một ngày, cộng đồng mạng phát hiện ra không ít người nổi tiếng trên mạng đã có hành vi photoshop biên lai chuyển khoản lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng trong khi số tiền ủng hộ thực tế chỉ vài trăm nghìn. Ngoài ra,, rất nhiều tập thể, tổ chức chỉ ủng hộ vỏn vẹn… vài nghìn đồng.
Câu hỏi đặt ra là, hành vi của những người đó chỉ đơn thuần là “flex” hay có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Nếu có hành vi làm giả sao kê chuyển khoản từ thiện thì tùy vào trường hợp mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Nếu làm giả sao kê chuyển khoản từ thiện chỉ để đánh bóng tên tuổi bản thân mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) đối với hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Nếu làm giả sao kê chuyển khoản từ thiện nhằm mục đích trục lợi cho bản thân, chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tiền từ thiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt như sau:
Khung 1:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
+ Cướp tài sản;
+ Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;
+ Cưỡng đoạt tài sản;
+ Cướp giật tài sản;
+ Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
+ Trộm cắp tài sản;
+ Lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản;
+ Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2:
Phạt tù từ 02 – 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3:
Phạt tù từ 07 – 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4:
Phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó nếu làm giả sao kê chuyển khoản từ thiện nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người vi phạm có thể sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến tù chung thân, đồng thời phải chịu các hình phạt bổ sung như: Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
………………………..
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÁP LÝ JBA
Luật sư: Hoàng Văn Ba
SĐT: 0968.804.362
Email: luatjba@gmail.com